Breaking News

[Tản mạn] Beauty blogger - Bạn là ai?

Ảnh: girlsaskguys.com


Chào mọi người!
Có một sự thật là năm nay mình viết blog không được năng suất cho lắm, nhưng dù vậy mình vẫn muốn dành ra một ngày cuối năm để viết một bài tản mạn nói về một vấn đề mà mình cho là nổi cộm trong năm qua, cũng giống như bài Không có mỹ phẩm thần kỳ, chỉ có cái đầu tỉnh táo như năm ngoái. Và năm nay đó là câu chuyện về chính chúng mình, những beauty blogger, một công việc mà nếu chưa từng thử qua và đứng ngoài nhìn vào, sẽ giống như bức hình phía trên - toàn hoa và mộng. Vậy beauty blogger là ai, họ đóng vai trò gì trong thế giới làm đẹp muôn màu, những câu chuyện phía sau của họ và quan trọng nhất là, làm thế nào để trở thành beauty blogger?
Bài viết này, cũng như mọi bài viết khác của mình, không mang tính "kinh viện", đúng một cách tuyệt đối mà nó chỉ thể hiện góc nhìn của mình và tổng hợp những kinh nghiệm của mình sau vài năm "chinh chiến" trong giới beauty blogger (Mình vẫn luôn tự hào là một trong những beauty blogger thế hệ 2 còn sót lại đến bây giờ, dù độ phổ biến thua xa các bạn blogger mới nổi bây giờ). Bắt đầu nhé!

1. Thế nào được gọi là beauty blogger?
Ảnh: ungenitabeautyblog.com
Mình thấy có một "thực trạng" ở Việt Nam mà không biết nên buồn hay vui là các bạn mê làm đẹp thường "thần tượng hóa" cụm từ beauty blogger, coi họ tương đương với người nổi tiếng, với bể kiến thức uyên thâm, xinh đẹp không tì vết và quan trọng là có khả năng sử dụng nhiều mỹ phẩm, đặc biệt mỹ phẩm càng đắt tiền càng cao cấp càng hiếm càng khó đọc tên càng đáng ngưỡng mộ. Nói chung là một dạng idol trong giới làm đẹp. Bạn có tin không nếu mình nói định nghĩa thực sự về beauty blogger đơn giản hơn nhiều: một người (bất kể nam hay nữ) chia sẻ những trải nghiệm của họ về làm đẹp trên một platform dạng blog. Chấm hết. Điều này có nghĩa bất kể bạn xinh hay không xinh lắm, da bạn đẹp hay đầy mụn, có nhiều kinh nghiệm làm đẹp hay mới chân ướt chân ráo bước vào thế giới mỹ phẩm, chỉ cần bạn viết về làm đẹp, thậm chí chỉ viết vài bài review mấy bánh xà phòng rửa mặt trên facebook cũng được, bạn cũng có thể được coi là beauty blogger :v Những gì mà nhiều bạn mường tượng về beauty blogger chỉ là chân dung của thiểu số những beauty blogger nổi tiếng, và điều đó không làm cho những người khác cũng chia sẻ về trải nghiệm làm đẹp của họ không đáng được công nhận là beauty blogger.
Mình đã từng đọc, từng nghe không ít những câu kiểu như "Thế này mà cũng được gọi là beauty blogger", hay "Tưởng ai cũng làm beauty blogger được hả?" để nhận xét về những bạn gái có chất lượng bài viết/ video mà những người khác cho là không bằng những người họ công nhận là beauty blogger khác. Hãy tưởng tượng thế này nhé: ca sĩ có rất nhiều, có người hát dở, có người hát hay nhiều fan hâm mộ, nhưng những người hát dở kia vẫn được gọi là ca sĩ bởi họ kiếm tiền từ giọng hát của họ. Beauty blogger cũng vậy thôi, tất nhiên trừ mặt kiếm tiền vì chỉ những người xuất sắc trong việc khuếch trương danh tiếng mới kiếm được tiền từ công việc này. Không nên có cái nhìn hạn hẹp và "phân loại" ai phải hay không phải là beauty blogger, vì như mình đã nói vài lần ở trên, chỉ cần bạn viết blog về làm đẹp, không cần biết có hấp dẫn hay không cũng có thể gọi là beauty blogger rồi. Bạn cần chấp nhận một sự thật là beauty blogger bản thân nó không phải một công việc cao siêu, nhưng những người thực sự thành công là những người xây dựng được danh tiếng của họ với danh nghĩa beauty blogger.

2. Vai trò của beauty blogger
a. Cung cấp thông tin
Ảnh: thefuturelaboratory.com/
Beauty blogger, đặc biệt là những beauty blogger thực sự tâm huyết với công việc này là những người thường xuyên thám thính tin tức làm đẹp: sản phẩm nào mới ra, sản phẩm nào sắp bị cấm, xu hướng nào lên ngôi mùa này, phong cách nào đang làm mưa làm gió, thành phần dưỡng da nào chuẩn bị thống lĩnh thị trường mỹ phẩm,... và "rỉ tai" lại cho bạn những thông tin đó. Một dạng cung cấp thông tin khác phổ biến hơn và cũng thiết thực không kém là review mỹ phẩm, để từ đó bạn có một cái nhìn đa chiều và quyết định xem có nên dành chỗ đón sản phẩm đó về không hay tiết kiệm cho món khác xứng đáng hơn. Có thể nói đây là một kênh thông tin cực kì đa dạng và nếu đủ tỉnh táo bạn sẽ chắt lọc được những thông tin chân thật và quý giá hơn nhiều những lời quảng cáo đường mật của hãng mỹ phẩm. Tất nhiên không thể tránh khỏi những thông tin "nhiễu" do blogger nhận tiền quảng cáo từ hãng, nhưng mình tin là những bạn đọc thông minh sẽ nhận ra đâu là thật, đâu là giả trong hằng hà sa số các bài review.

b. Hướng dẫn, chia sẻ
Ảnh: fashiondivadesign.com
Những beauty blogger nhiều kinh nghiệm là một mỏ vàng những mẹo làm đẹp hay ho bạn có thể học hỏi qua các bài viết và video tutorial. Theo như mình thấy, thường các video hướng dẫn sẽ dễ thực hiện theo hơn các bài viết do hình ảnh động bao giờ cũng dễ theo dõi và bắt chước hơn. Tất nhiên bạn cũng cần có óc suy xét để xem xem những mẹo làm đẹp này có áp dụng được trên da bạn không, bởi chân lý muôn thuở trong làm đẹp: cái gì hợp với bạn chưa chắc đã hợp với tôi. Đừng đổ lỗi hay chỉ trích beauty blogger khi kết quả thực hành của bạn không như mong muốn: họ chia sẻ với thiện ý, nhưng bạn cũng có một cái đầu để phân loại.

c. Truyền bá kiến thức
Ảnh: regener8.com.au
Không phải beauty blogger nào cũng có đủ kiến thức và tâm huyết để tổng hợp thành một bài viết chia sẻ kiến thức đúng-đủ-khách quan. Và cũng chính vì vậy mà không phải bài viết chia sẻ kiến thức nào của beauty blogger cũng đáng tin cậy. Những gì mà những bác sĩ da liễu, những người học trong ngành hóa mỹ phẩm bỏ ra 5, 6 năm để thu lượm về không thể nào gói ghém hết trong vỏn vẹn vài bài viết sơ sài. Nhiều bạn đọc những bài viết này rơi vào trạng thái tin tưởng và lệ thuộc beauty blogger quá đà, dẫn đến chuyện có gì cũng inbox hỏi các bạn ý: da em thế này thế này, bây giờ dùng cái gì (post ảnh da mặt lên); sản phẩm này có hợp với em/ trị được mụn cho em/ làm giảm vết thâm của em không (gửi ảnh sản phẩm lạ hoắc còn chả có list thành phần). Nhiều bạn BB nhiệt tình thì trả lời tường tận, nhưng đây lại chính là con dao 2 lưỡi: với kiến thức chuyên môn hạn chế, nếu bạn tư vấn sản phẩm hợp thì không sao, còn nếu sản phẩm chẳng may không có tác dụng/ làm cho tình trạng của bạn đọc nặng lên, BB chính là người phải gánh trách nhiệm. Vậy nên nếu bạn để ý, các BB nổi nổi một chút ở VN thường không nhận trả lời inbox nữa, một phần vì có quá nhiều không đọc xuể, một phần vì họ không muốn dính vào rắc rối không đâu. BB giỏi lắm chỉ có thể chăm sóc tốt được da của chính mình và chia sẻ lại kinh nghiệm, chứ không thể nào bắt bệnh trúng phóc qua ảnh để mà kê đơn bốc thuốc cho bạn được! Nên nhớ đó là công việc của bác sĩ, và để được bác sĩ chẩn đoán kê đơn bạn phải đến tận nơi và TRẢ TIỀN (xin lỗi vì hơi phũ).

d. Tạo xu hướng
Becca Champagne pop - cơn sốt toàn thế giới, sản phẩm hợp tác giữa blogger Jaclyn Hill và Becca
Ảnh: temptalia.com
Vai trò này thậm chí còn ít người làm được hơn là truyền bá kiến thức, bởi chỉ những beauty blogger thực sự có sức ảnh hưởng mới làm được. Với tình trạng cán cân thị trường mỹ phẩm Việt Nam lệch hẳn về phía các shop bán hàng xách tay, sản phẩm nào được BB lăng xê thành công sẽ nhìn thấy cực kì rõ ràng. Chuyện này lại dẫn đến 2 vấn đề: thị trường mỹ phẩm trở nên "một màu", đi đâu cũng nhìn thấy mặt những sản phẩm đấy, hàng giả lại có cơ hội lên ngôi, còn các sản phẩm khác cũng có chất lượng tốt nhưng không được lăng xê rầm rộ trở nên ế ẩm/ không được nhập về cho những người có nhu cầu. Thứ 2 là với tình trạng mua ồ ạt theo xu thế, lượng người dùng không hợp do không biết lắng nghe nhu cầu của mình mà chỉ biết chạy theo số đông ngày càng tăng lên, mà khi dùng không hợp họ lại không ngồi lại rút kinh nghiệm mà quyết định đổ lỗi khắp nơi cho BB vì "dùng chán chết mà lăng xê lên giời" (vui 1 cái là vì giận 1 BB nào đó lăng xê sản phẩm họ không hợp mà thành ra đổ lỗi cho toàn bộ cộng đồng BB trên mạng xã hội). Cứ có sản phẩm nào hot lên 1 chút là y như rằng 1, 2 tháng sau làn sóng thanh lý sản phẩm này lại rầm rộ nổi lên, như một vòng tuần hoàn vậy. Thực ra ở Mỹ chuyện dân tình chạy theo trào lưu nào đó được BB lăng xê cũng xảy ra thường xuyên, nhưng thị trường mỹ phẩm của họ đa dạng và "tự cung tự cấp" được chứ không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài nên hiệu ứng không rõ ràng như ở Việt Nam.

3. Những câu chuyện xấu xí phía sau
Mình đã suy nghĩ rất nhiều xem có nên viết phần này không, nhưng cuối cùng vẫn quyết định viết với mục đích đập tan ảo tưởng của những người đứng ngoài về beauty blogger. Công việc này không phải là sáng được shipper đánh thức dậy để nhận quà từ hãng, cả ngày chỉ xoay quanh máy ảnh và máy tính để review sản phẩm, tối xúng xính váy áo dự event. Những việc hay ho như vậy không xảy ra hàng ngày, nhưng những thứ xấu xí phía sau đây lại là thứ các BB luôn phải đối mặt.

a. Haters
Ảnh: pinterest.com
Có lẽ là vấn đề xảy ra thường xuyên nhất. Ở VN có không ít bạn từ hot girl chuyển ngạch sang làm BB nên vô hình trung tạo ấn tượng cho những người ít hiểu biết về các BB nước ngoài là "BB là phải xinh". Thế nên khi những bạn BB có ngoại hình bình thường, không được bắt mắt chia sẻ về câu chuyện làm đẹp của họ, phản ứng đầu tiên của những người này là ném đá: ném đá gương mặt, ném đá giọng nói, ném đá phong cách, ném đá ném đá ném đá. Ở nước ngoài người ta gọi cái này là "body shame", hiểu nôm na là hạ thấp người khác vì ngoại hình của họ không vừa mắt mình, nhưng nên nhớ body shame là một thứ bị những người văn minh tẩy chay, vì đơn giản một người sinh ra không thể tự quyết định được ngoại hình của họ. Họ đã chấp nhận điều đó và vui vẻ sống với lớp vỏ không hoàn hảo đó và hoàn thiện nó bằng tâm hồn của mình, còn các haters, bạn đang làm gì với cuộc đời mình vậy?

b. Cám dỗ
Ảnh: fowllanguagecomics.com
Chuyện các BB hợp tác với các hãng mỹ phẩm để review hoặc quảng cáo cho sản phẩm của họ không có gì là lạ. Điều này cũng có nghĩa BB đặt cược toàn bộ uy tín của mình vào sản phẩm đó, vậy nên điều cần thiết nhất là phải chắc chắn là sản phẩm này họ thấy thực sự tốt cái đã. Dù vậy, hàng ngày vẫn có những hãng mỹ phẩm lạ hoắc gửi tin nhắn mời chào mà bạn thấy không tin tưởng, hay có những nhãn hàng đặt thẳng vấn đề "mình muốn bạn viết review, không biết bạn muốn bao nhiêu" dù bạn biết thừa chất lượng sản phẩm hãng này không tốt. Một tình huống khác là có những mạng lưới/ trang web làm đẹp mời bạn viết bài/ quay video, nói chung là làm cộng tác viên cho họ, với lời hứa chắc nịch "tôn trọng sự trung thực tối đa", nhưng hóa ra đây lại là mạng lưới bán hàng và bạn đang PR không công cho sản phẩm của họ. Trước khi được các hãng mỹ phẩm uy tín và thực sự tôn trọng bạn với tư cách beauty blogger tìm đến, bạn đã phải đối mặt với hơn chục tình huống kiểu này rồi.
Kể cả khi bạn đã được các hãng mỹ phẩm uy tín để mắt, chặng đường chông gai vẫn chưa kết thúc. Bạn càng nổi tiếng càng nhận được nhiều offer hấp dẫn, cái nào cũng đáng nhận được một cái gật đầu. Và lúc này vấn đề mới nảy sinh là bạn rất dễ mất cân bằng và vô tình biến blog/page của mình thành một trang PR, người đọc không tìm được một bài viết hay video nào phi lợi nhuận chen giữa các thông tin quảng cáo, dẫn đến dần dần mất lòng tin vào bạn, thậm chí còn làm giảm cả giá trị các bài viết chia sẻ đơn thuần trước đây của bạn. "Vấn nạn" tràn lan quảng cáo trá hình đã khiến các blogger Anh phải tuân theo luật đề thêm chữ AD trước video có tài trợ của mình như một cách thành khẩn thông báo cho người xem rằng họ chuẩn bị được xem một video quảng cáo, và quyền click vào xem hay không là ở họ.

c. Ăn cắp chất xám
Ảnh: qbuzz.qnet.net
Chuyện này xảy ra như cơm bữa. Hình thức các shop bán hàng lấy ảnh/ nội dung bài viết của bạn để quảng cáo cho sản phẩm của họ đã quá phổ biến và thô sơ rồi quên đi, bây giờ xu thế hơn, tinh vi hơn là BB nổi tiếng lấy nội dung của BB không nổi bằng, sao chép, xào nấu đủ kiểu làm của riêng với lý do "nhân danh kiến thức chung". Tất nhiên người có tự trọng sẽ không bao giờ làm vậy, hoặc nếu có lấy của ai sẽ credit đàng hoàng, nhưng rất tiếc là chuyện này đã từng xảy ra với mình rồi và đáng buồn là thường ta không thể làm gì được vì thứ nhất, bạn thấp cổ bé họng, chỉ cần nói ra là "fan" của BB nọ sẽ đè bẹp bạn và bạn ngay lập tức mang tiếng ác, "kêu oan để lấy tiếng", hai là sự sao chép quá tinh vi, chỉ ai đủ quan tâm đến bạn mới nhận ra, nhưng vì lộn lại 1, bạn thấp cổ bé họng, nên chả ai quan tâm đến bạn.

d. Bị đánh đồng
Ảnh: sites.psu.edu/
Bị ăn cắp chất xám thôi chưa đủ, những gì tinh hoa của bạn giờ cộp mác người ta, bạn lại còn bị lôi đầu vào réo rắt chung mỗi khi một vài BB nào đó nhỡ đắc tội với nhân dân. Ví dụ như đã nói ở trên, lăng xê sản phẩm không tốt, hay tranh thủ uy tín từ việc làm BB để bán mỹ phẩm kiếm lời, v.v... Rốt cuộc trên các hội nhóm cứ vài hôm là lại có vài dòng chia sẻ "Các blogger toàn PR thôi", "Chả tin được beauty blogger nào", "BB ăn tiền cả đấy",... Chắc chỉ có các BB ở Việt Nam mới có tình trạng chả buôn bán gì mà hàng ngày vẫn nhận được inbox "Cái này bao nhiêu shop" "Chị ơi cái này còn không?" hay thậm chí "Chả thấy ghi giá, toàn nói cái gì đâu đâu"... Đơn giản vì tình trạng BB chuyển ngạch sang buôn bán quá phổ biến nên bạn đọc mặc định bạn review sản phẩm không phải với mục đích chia sẻ mà kiểu gì cũng là buôn bán :)) Nói thật, kể mà mình kiếm được đồng nào từ công việc này thì có bị chửi nữa mình cũng chịu, nhưng vừa làm không công vừa bị mang tiếng oan vì những con sâu làm rầu nồi canh thì BB nào chịu cho thấu?

e. Bệnh ngôi sao
Ảnh: forbes.com
Một "bệnh" chỉ dành riêng cho giới blogger nổi tiếng. Tất nhiên không phải blogger nổi tiếng nào cũng mắc bệnh này, nhưng từ những quan sát của mình, những beauty blogger nổi càng nhanh càng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Nguyên do là bởi trong quá trình nổi lên nhanh chóng của mình, họ nhận được vô số lời khen ngợi, tỉ lệ chê trách rất nhỏ khiến cho "khả năng miễn dịch" với những phản hồi trái chiều, kể cả mang tính xây dựng nhất trở nên yếu ớt. Nhiều bạn đọc quen với tình trạng này khi comment phải "rón rén" hơn bình thường để không bị xóa hay block, hay tệ hơn cả là bị fan của BB này ném đá ngược lại. Đây chính là hệ quả của hiện tượng "thần tượng hóa" blogger mà mình đã nói ở đầu bài viết. Bạn đọc đối xử với họ càng sùng bái, họ càng có lý do để xa cách bạn. Chỉ những BB đủ bản lĩnh, biết mình đứng ở vị trí nào (một người bạn nhiều kinh nghiệm chia sẻ cho những người bạn khác ít kinh nghiệm hơn) mới có thể đứng vững khi danh tiếng của họ lan xa. Blogger càng lao động miệt mài, xây dựng danh tiếng và uy tín dựa trên hệ giá trị mà bản thân tự đặt ra cộng với sự bền bỉ thì càng khiêm tốn. Một ví dụ điển hình mà mình rất nể phục là chị Christine của trang blog temptalia.com, dù blog của chị thuộc hàng kinh điển, với một ekip đứng phía sau, thiết kế blog chuyên nghiệp và bài viết mới cập nhật hàng ngày, mỗi bài viết vài trăm comment là chuyện bình thường, nhưng chị ý trả lời từng comment một với thái độ thân thiện như một người bạn. Vì vậy blog của chị ý năng lượng tích cực rất dồi dào chứ không lắm thị phi như các cộng đồng làm đẹp nổi tiếng khác.

4. Làm thế nào để trở thành beauty blogger?
Ảnh: lipglossiping.com
Nếu đọc xong những dòng phía trên và bạn vẫn ôm mộng làm beauty blogger, thì lời khuyên của mình là hãy làm ngay đi! Lập một cái blog không thể đơn giản hơn, viết những gì chân thật nhất về trải nghiệm làm đẹp của bạn, chụp vài bức ảnh minh họa càng hay, không cần đẹp, chỉ cần rõ ràng, và bạn đã trở thành beauty blogger rồi đấy! Nhưng để duy trì được công việc này, bạn cần phải tự hỏi bản thân: "Mình trở thành beauty blogger để làm gì?". Tất nhiên, mục tiêu chia sẻ luôn cần đặt lên hàng đầu, nhưng bên cạnh đó hãy đặt ra một mục đích khiến bạn thường xuyên được khích lệ và duy trì hứng thú với blog/page/youtube/ instagram/tumblr/... của bạn. Và mình xin được nói thẳng, nếu mục đích này là ĐỂ ĐƯỢC NỔI TIẾNG, bạn sẽ khó có thể duy trì được blog. Mình đã thấy không ít bạn bắt đầu bước chân vào con đường này với giấc mơ trở thành hình mẫu cho nhiều bạn gái, được làm đại diện cho hãng mỹ phẩm,... và chỉ vài tháng sau blog của họ phủ đầy mạng nhện. Đây là một trong những mục đích dễ khiến bạn nản chí nhất, trừ khi bạn bỏ tiền ra mua danh tiếng, nếu không bạn sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu. Bù lại, hãy nghĩ tới những mục đích đem lại cho bạn niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Ví dụ như với mình, khi làm beauty blogger cảm giác vui sướng nhất của mình là khi chinh phục được một kĩ thuật trang điểm khó, tìm được công dụng mới của sản phẩm dưỡng da, hay render được một cái video đẹp mắt và nhiều cảm xúc, và tuyệt vời nhất là khi nhận được những tin nhắn/ comment của các bạn followers "em đã thử thực hành theo cách của chị và kết quả mỹ mãn". Đấy, chỉ cần những "thành tựu" be bé như vậy thôi nhưng đã giúp mình kéo tuổi thọ của The Kick-Ass Red Lipstick lên được 4 năm trong khi mình vốn là đứa dễ nản, cả thèm chóng chán. Chốt lại, hãy đến với công việc này bằng một trái tim chân thành, nó sẽ giúp bạn vượt qua những tổn thương mà bạn có nguy cơ phải chịu đựng.

Disclaimer: Tất cả các ý kiến trên đây đều là của mình, CỦA MÌNH tự viết nhé! Vì thế nó sẽ phụ thuộc vào tình trạng da của mình trong thời điểm đó, và hoàn toàn trung thực, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ "thế lực đen tối" nào hết :P Bạn chỉ nên cho nó là tư liệu tham khảo thôi, tuyệt đối đừng cho rằng blog này là kim chỉ nam trong việc chọn mua mỹ phẩm. Be smart my girl (boy)! ;) Và cũng đừng ai copy nội dung blog mình (kể cả đã chỉnh sửa) để đem ra ngoài mà không được sự cho phép của mình nhé, vì blog này không phục vụ lợi ích cho bất kì ai ngoại trừ sự thỏa mãn của chính mình!
Nếu muốn sử dụng nội dung của mình hoặc cần liên hệ, email cho mình qua địa chỉ: karedlipstick@gmail.com

Xem thêm các thương hiệu mỹ phẩm locean, mỹ phẩm kosé, nước hoa tommy hilfiger, nước hoa calvin klein, nước hoa christian dior, nước hoa lancôme, mỹ phẩm scien sight, mỹ phẩm laneige, mỹ phẩm la roche-posay, mỹ phẩm ohui, mỹ phẩm sakura, mỹ phẩm vichy, mỹ phẩm shiseido, mỹ phẩm miss fairy, mỹ phẩm luna belle, mỹ phẩm vacci, mỹ phẩm angel madam đang khuyến mãi giá tốt đang giảm giá trên thị trường mỹ phẩm làm đẹp

Bài đăng phổ biến